1. Xu hướng trong công nghiệp sản xuất phân bón NPK:

– Đa dạng hóa các chủng loại phân bón. Trên thế giới hiện nay có hàng trăm loại phân bón khác nhau chứa các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi tượng, ở thể rắn hoặc lỏng, ở dạng phân đơn hoặc phân hỗn hợp với tỷ tệ các chất dinh dưỡng khác nhau, trên nền lân tan trong nước ở các mức độ khác nhau.

– Tăng cường sản xuất phân bón có hàm lượng nguyên tố dinh dưỡng cao để giảm chi phí đóng góp, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng.

– Tăng cường sản xuất phân bón hỗn hợp và đa dạng hóa các chủng loại phân bón này. Các số liệu thống kê tình hình sản xuất và sử dụng phân bón cho thấy các nước công nghiệp phát triển phân hỗn hợp chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số phân bón được sản xuất và sử dụng trong nông nghiệp. Ví dụ, trong những năm trước sử dụng phân hổn hợp ở Pháp chiếm 75,7%, ở Cộng hòa Liên bang Đức 41,2%, ở Nhật 73%, ở Anh 71%.

2. Ưu điểm chủ yếu của phân khoáng hỗn hợp so với phân khoáng đơn:

Như đã biết, phân khoáng đơn là những loại phân khoáng chỉ chứa một trong các nguyên tố dinh dưỡng như: đạm, lân hoặc kali. Trong thực tế sản xuất nông nghiệp, để cải thiện dinh dưỡng cho cây trồng, người ta thường phải bón đồng thời không chỉ một mà là vài loại phân bón. Trong trường hợp như vậy hoàn toàn không hợp lý khi phải rải trên ruộng từng loại phân bón riêng biệt. Điều này sẽ làm tăng chi phí lao động và chi phí vật chất để bón phân. Phân hổn hợp khắc phục được những hạn chế trên nhờ các đặc tính sau:

– Giảm được chi phí đóng góp, vận chuyển, tàng trữ và bón phân do chứa 2 nguyên tố dinh dưỡng trở lên và thường có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn các loại phân đơn.

– Có tính chất vật lý tốt như: độ hút ẩm thấp, độ rời và độ mịn cao… nên giảm được hao hụt và dễ sử dụng.

– Tăng khả năng thâm nhập đồng thời các chất dinh dưỡng vào cây vì chúng được phân bố hợp lý ở vùng rễ cây. Trong nhiều trường hợp với cùng một lượng các chất dinh dưỡng bón vào đất, phân hỗn hợp cho bội thu năng suất cao hơn so với bón phân đơn.

3. Biện pháp nâng cao hiệu lực phân hỗn hợp NPK:

– Hiệu lực phân hỗn họp phụ thuộc rất nhiều vào hàm lượng các hợp chất lân tan trong nước chứa trong thành phần phân bón. Hàm lượng lân tan trong nước càng cao thì hiệu lực phân hỗn hợp càng lớn. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực phân bón thường người ta phải sản xuất phân hỗn hợp NPK có hàm lượng lân tan trong nước không thấp hơn 50-60% lân tổng số.

– Phân hỗn hợp NPK có tỷ lệ lân hoặc lân – kali cao hơn đạm khi bón lót sâu thường có hiệu lực cao hơn so với bón thúc và bón rải mặt.

– Cần thiết phải bón thêm một lượng phân đơn để đảm bảo đủ lượng các chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu cây trồng vì nhiều trường hợp, do tỷ lệ các nguyên tố dinh dưỡng trong phân hỗn hợp khác nhau, nên chỉ phân hỗn hợp sẽ không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây.

– Để nâng cao chất lượng và hiệu lực phân hỗn hợp ngoài các nguyên tố đa lượng NPK cần thiết phải đưa vào thành phần phân bón các nguyên tố thứ cấp (Mg, Ca, S…) và nguyên tố vi lượng khác (Mo, Cu, Mn, B, Zn…) trên cơ sở tính đến đặc thù của cây trồng và tính chất đất ở mỗi vùng sinh thái khác nhau.